Nhật Bản Today - Lần đầu tiên, các nhà khoa học Nhật Bản đã nhân bản thành công một chú chuột từ một giọt máu của một con chuột khác.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhân bản chuột từ một giọt máu
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Riken BioResource, TP Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản dẫn đầu bởi nhà khoa học Atsuo Ogura đã dùng một tế bào máu trong hệ tuần hoàn của một chú chuột để tạo ra bản sao của chính nó.
Kết quả của công trình nhân bản là một chú chuột cái có tuổi thọ bình thường và có thể sinh sản ở độ tuổi trưởng thành.
Trước đó, trưởng nhóm nghiên cứu lấy máu từ đuôi một chú chuột cái, tách bạch huyết cầu và lấy nhân để nhân bản bằng phương pháp tương tự kỹ thuật nhân bản cừu Dolly ở Edinburgh, Anh.
Trình bày trên tạp chí Biology of Reproduction của Mỹ, nhóm nghiên cứu cho biết đây là “lần đầu tiên những chú chuột được nhân bản vô tính bằng các tế bào máu ngoại vi".
Nhóm cho biết mục đích của việc này là sao giữ những chủng chuột có giá trị phòng thí nghiệm. “Kỹ thuật này được áp dụng để tạo ra bản sao hoàn hảo từ những chủng chuột vô giá mà không thể giữ giống bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác như thụ tinh ống nghiệm hay tiêm tinh trùng vào bào tương trứng”.
Trước đó, Nhật đã nhân bản vô tính được nhiều con chuột từ các tế bào khác nhau trên cơ thể con vật gốc, bao gồm các bạch huyết cầu được tìm thấy trong các hạch bạch huyết, tủy xương và gan.
Các nhà khoa học tại một viện khoa học có liên kết với trung tâm trên từng tạo ra 600 bản sao hoàn hảo từ thể chất đến tinh thần của một con chuột siêu thịt và siêu sữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét