Nhật Bản Today - Rất có thể Nobuyuki Tsujii sẽ là nghệ sĩ dương cầm xuất sắc nhất và cũng là nghệ sĩ cổ điển sáng chói nhất chơi đàn tại Việt Nam trong năm 2013 này.
Phi thường!
Nobuyuki trong tiếng Nhật có nghĩa là Hạnh phúc ngập tràn (faithful happiness). Là người Nhật đầu tiên đoạt huy chương vàng (giải nhất) tại cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn lần thứ 13 được tổ chức tại Texas, Mỹ (năm 2009), Tsujii cũng là nghệ sĩ piano khiếm thị đầu tiên thắng cuộc trong lịch sử 47 năm của cuộc thi danh giá này.
Báo chí Nhật Bản ví Nobuyuki Tsujii là “hiện thân của phép màu thượng đế”. Cậu bé mù bẩm sinh ngày nào, 21 năm sau đã phát triển thành tài năng rực rỡ, đem lại vinh quang cho đất nước mặt trời mọc.
Khi đó “thiên thần chơi piano” Van Cliburn vẫn còn sống. Ông bình luận trên nhật báo Fort Worth Star-Telegram sau khi nghe: "Cậu ấy thật phi thường. Màn trình diễn của cậu có sức mạnh giúp chữa lành vết thương và hàn gắn. Nó thật sự thiêng liêng, tuyệt diệu".
Hai năm sau đó, vào tháng 11/2011, ông tới tham dự buổi độc tấu đầu tiên của Tsujii tại Nhà hát Carnegie Hall (Mỹ). Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Asahi Nhật Bản, Van Cliburn nói: "Thật hồi hộp khi nghe cậu ấy chơi - một nghệ sĩ lớn, một tài năng sáng giá. Bạn có thể cảm thấy Chúa đang hiện diện trong khán phòng khi âm nhạc cất lên. Tâm hồn của Tsujii thật thánh thiện. Âm nhạc của cậu ấy rất tuyệt vời và vươn tới những tầng cao nhất nơi thiên đàng vô tận".
Van Cliburn mất vào tháng 2/2013, đến tận hôm nay, trên trang chủ website riêng của mình, Nobuyuki vẫn còn lưu những dòng tiếc nhớ: "Thật buồn khi biết rằng chúng ta đã mất Cliburn. Con người ông và thành tựu của ông chiếu sáng cho tôi như vì sao dẫn lối. Nó sẽ không bao giờ phai nhạt."
Hiện tượng âm nhạc Nhật Bản
Nobuyuki Tsujii chia đôi giải nhất với Haochen Zhang (Trung Quốc) tại cuộc thi Van Cliburn (năm 2009)
Sau thành công vang dội tại cuộc thi năm 2009, Tsujii (trước đó đã từng đoạt một số giải thưởng trong nước và quốc tế) bắt đầu nổi lên như một ngôi sao biểu diễn không chỉ trên đất Nhật mà còn xuất hiện tại Mỹ, Anh, Nga, Đức, Thụy Điển... cùng với những dàn nhạc lớn và lượng fan hùng hậu. Đĩa ghi âm tại cuộc thi Cliburn của anh được bán rộng khắp, đạt khoảng 100.000 bản. Clip trên Youtube ghi lại màn biểu diễn bản "Etude số 3 của Paganini" (La Campanella) đạt hơn 2 triệu lượt view.
Vốn không thể đọc được nốt nhạc trên giấy, Tsujii học nhạc qua hệ thống chữ nổi Braille và các bản thu âm. Với mỗi bản nhạc, người trợ giảng sẽ thu âm riêng cho tay phải và tay trái, sau đó anh sẽ lắng nghe và tự kết hợp lại chúng trên cây đàn.
Sinh ra đã bị mù do ảnh hưởng của chứng microphthalmia (rối loạn sự phát triển của mắt), Nobuyuki Tsujii có một tài năng thiên bẩm về âm nhạc. Ở tuổi lên 2, cậu bé bắt đầu những nốt "Đồ rê mi" trên cây đàn đồ chơi tí hon do mẹ mua về. Lên 4 tuổi, mẹ bắt đầu cho Tsujii đi học nhạc. Năm 1995, khi 7 tuổi, cậu chiến thắng giải thưởng âm nhạc đầu tiên trong đời - giải nhất Cuộc thi âm nhạc dành cho học sinh khiếm thị toàn nước Nhật.
Những năm sau đó lần lượt là giải vàng tại PTNA piano khi 11 tuổi; giải solo tại cuộc thi Suntory Hall và Liên hoan âm nhạc Kobe; giải Phê bình tại cuộc thi piano quốc tế nổi tiếng Frederik Chopin tại Ba Lan lần thứ 15 (năm 2005). Năm 2009, chàng trai trẻ chia sẻ giải Nhất cuộc thi Van Cliburn trên đất Mỹ với tay đàn Haochen Zhang (Trung Quốc). Năm 2013, người Nhật tự hào đưa cái tên Nobuyuki Tsujii vào sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học Nhật Bản.
Người Nhật tự hào đưa cái tên Nobuyuki Tsujii vào sách giáo khoa tiếng Anh dành cho học sinh trung học Nhật Bản.
Trong 2 buổi biểu diễn tại Việt Nam sắp tới (ngày 19/06 tại Nhà hát lớn Hà Nội, và ngày 21/06 tại Nhạc viện Tp HCM), Nobuyuki Tsujii sẽ mang đến một nhạc mục gồm các tác phẩm của Chopin và Debussy. Anh nói: "Debussy, Chopin và Beethoven là những nhà soạn nhạc yêu thích của tôi. Tôi cảm thấy Chopin và Beethoven rất gần gũi với trái tim mình".
Và biết đâu trong phần bis, khán giả Việt Nam sẽ có cơ hội nghe anh chơi thêm các tác phẩm tự sáng tác như "Whisper of the River" (Lời thì thầm của dòng sông) hay "What the wind carries" (Điều ngọn gió mang theo). Chúng là cảm hứng nảy nở khi Nobuyuki Tsujii tản bộ và lắng nghe thiên nhiên cất tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét