Nhật Bản Today - Hai người hàng xóm ở cách nhau một bức tường hiện có thể trò chuyện bình thường nhờ một thủ thuật truyền âm thanh đơn giản do các nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc sáng tạo nên, không cần sự hỗ trợ của các loại thiết bị công nghệ cao như điện thoại.
Thủ thuật mới sẽ giúp bạn không phải vất vả trò chuyện với người hàng xóm ở cách mình một bức tường. Ảnh: Shutterstock
Một nhóm chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản và Hàn Quốc đã nghĩ ra cách giúp biến một bức tường cứng rắn trở nên trong suốt và không còn là rào cản đối với âm thanh. Quá trình trên dựa vào việc khoan các lỗ nhỏ trên một chất liệu rắn đặc, chẳng hạn như một bức tường, và che phủ một bên của nó bằng lớp màng làm từ màng nhựa mỏng bọc thức ăn dễ tìm ở bất cứ nhà bếp nào.
"Bức tường với các lỗ trơ trụi sẽ cản trở rất lớn tới sự truyền tải âm thanh. Tuy nhiên, khi gắn lớp màng lên tường, việc truyền âm thanh tốt gần như không có rào cản nào", trích báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Physical Review Letters.
Các nhà vật lý từng cố gắng truyền tải âm thanh xuyên qua những bức tường rắn chắc bằng cách khoan lỗ hổng, nhưng thất bại vì các phần nguyên vẹn của bức tường đã phản xạ hầu hết số âm thanh đó.
Chuyên gia Oliver Wright, một thành viên nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Hokkaido (Nhật Bản), nhấn mạnh, cách duy nhất hướng lượng lớn âm thanh di chuyển qua các lỗ khoan trên tường là đảm bảo các sóng âm di chuyển qua lỗ nhanh hơn nhiều giai đoạn chúng chuẩn bị tiếp cận và giai đoạn chúng đã vượt qua lỗ.
Nhóm của ông Wright đã quyết định dùng màng bọc thực phẩm để che phủ mỗi lỗ khoan trên tường, tạo sự cộng hưởng hiệu quả. Phương pháp của họ tương tự như cách dùng để tạo ra một hiệu ứng vật lý có tên gọi "sự truyền quang học bất thường" do chuyên gia Thomas Ebbesen thuộc Đại học Strasbourg (Pháp) khám phá ra năm 1998.
Trong các thí nghiệm, hệ thống mới có thể truyền tải từ 76% tới gần 97% độ lớn của nguồn phát âm ban đầu, tùy thuộc vào kích thước của các lỗ tương ứng với tổng diện tích của bức tường.
Johan Christensen, một kỹ sư quang tử thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, nhận xét: "Kết quả thu được thực sự đáng kinh ngạc. Điều đáng chú ý nhất là họ (các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Hàn Quốc) đã chứng minh có khả năng ép một lượng lớn âm thanh đi xuyên qua các kẽ hở vô cùng nhỏ bé".
Nhóm nghiên cứu đã mường tượng đến 2 dạng ứng dụng chính từ phát kiến của họ. "Bằng cách sử dụng một bức tường có các lỗ với kích cỡ khác nhau, người ta có thể tạo ra một rào chắn an ninh hữu hiệu cho việc giao tiếp bằng miệng ở những nơi như ngân hàng hay trên taxi. Ngoài ra, khi ép lượng lớn năng lượng đi qua một lỗ đơn lẻ, chúng ta có thể tạo ra một dạng kính hiển vi âm thanh, ứng dụng cho các thiết bị giúp phát hiện sớm khối u giai đoạn đầu trong cơ thể, vốn nhỏ bé đến mức các kỹ thuật siêu âm thông thường không thể dò ra được", ông Wright nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét